Ngày mai 30.1 (mùng 9 tháng giêng), trẻ mầm non và học sinh các cấp trở lại trường học sau kỳ nghỉ tết.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM vui đón xuân. Các em rất háo hức được trở lại trường gia hưng |
Các trường chuẩn bị đón học sinh vui vẻ trở lại trường, khởi động năm mới với nhiều hoạt động hứng khởi.
Chúc tết, hái lộc đầu xuân
Nội dung chính
Năm nào cũng vậy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM) lại háo hức được trở lại trường. Buổi học đầu tiên của năm mới luôn tràn ngập tiếng cười vui vẻ khi luôn có hoạt động chúc tết, hái lộc đầu xuân. Bên cạnh đó, thầy trò mỗi lớp tổ chức trò chơi nho nhỏ và tiệc liên hoan nhẹ với bánh kẹo để mừng tân niên.
Thầy Hoàng Gia Hưng, giáo viên chủ nhiệm lớp 4E, cho biết thầy đã chuẩn bị bao lì xì hình con thú dễ thương từ trước kỳ nghỉ tết. Không chỉ lì xì, thầy còn tổ chức bốc thăm may mắn tại lớp dịp tân niên, với giải thưởng là đồ dùng học tập và đồ chơi.
Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn cùng ban đại diện cha mẹ học sinh trao tặng những phần quà tết và học bổng giúp đỡ học sinh khó khăn, tạo điều kiện để các em vui đến trường |
Chào đón một năm mới an vui tới các học sinh gia hưng |
“Bắt sóng” cảm xúc
Trong ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ tết, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) cho rằng giáo viên nên “tâm lý” với tuổi teen, “bắt sóng” cảm xúc của trò, tránh tạo áp lực.
“Giáo viên có thể khởi động ngày đầu xuân bằng những hoạt động trò chuyện, chia sẻ và tâm sự về những ngày tết, bốc bao lì xì may mắn, khuyến khích học sinh làm bài đúng để được thầy cô tặng điểm 10 đầu năm mới. Những lời chúc bình an, nụ cười đầu xuân mới mà thầy trò dành cho nhau sẽ hứa hẹn một học kỳ khởi sắc, vui tươi và đong đầy cảm xúc”, thạc sĩ Thanh chia sẻ.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), giáo viên không nên tạo ra áp lực cho học sinh ngay trong ngày học đầu tiên của năm mới. Thầy cô nên tạo một không khí học tập thoải mái, vui vẻ, chẳng hạn giáo viên chủ nhiệm lì xì, mừng tuổi, chúc tết, động viên học sinh. Trong mỗi bài giảng, thầy cô ôn lại kiến thức mà học sinh đã được học trước đó để các em bắt nhịp, theo kịp nội dung bài học mới.
Cùng đón học sinh vui vẻ trở lại trường BÍCH PHƯỢNG |
Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), cho hay thầy cô có thể cùng học sinh chia sẻ cảm xúc, kỳ vọng vào một năm mới, rồi đi vào bài học một cách nhẹ nhàng. Giáo viên có thể đưa ra các yêu cầu kiến thức một cách đơn giản nhất, kèm theo điểm cộng, tùy theo mức độ hoàn thành, theo thầy Hoài.
Tương tự, giáo viên Đỗ Đức Anh của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cho hay: “Tôi thường bắt đầu bằng lời chúc vui, ‘chúc xinh gái, đẹp trai hơn, có được kết quả học tập như ý và có ‘crush’, rồi đến thủ tục lì xì đầu năm. Tôi còn khuyến khích học sinh khai bút đầu xuân bằng các phần thưởng cùng nhau làm thơ lục bát hoặc chia sẻ cảm xúc về điều ấn tượng nhất dịp tết…”.
Gửi thông điệp đến học sinh
Sau nghi thức chào cờ đầu tuần năm mới, thầy Huỳnh Thanh Phú gửi lời chúc tết, lì xì đến học sinh và sinh hoạt chuyên đề “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” theo lời dạy của đại thi hào Nguyễn Du. Theo thầy Phú, nhà trường gửi thông điệp về chữ “Tâm-Tài”. Hiểu chữ “Tâm” là cốt lõi của tình yêu thương, tinh thần, khí phách con người Việt Nam truyền thừa từ đời này sang đời khác trong đủ mọi tầng lớp.
Từ đó, thầy Phú nhấn mạnh, trong thời đại ngày nay, học sinh phải rèn đức luyện tài. Người có tâm làm việc gì cũng phải suy trước nghĩ sau, làm có lợi cho mọi người, làm vì mọi người, làm để góp phần cho cuộc sống an yên hạnh phúc.
Học sinh vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán HOÀNG ĐỖ |
Thực hành hạnh phúc, sự biết ơn và quan tâm nhau
Anh Nguyễn Minh Nam, thạc sĩ giáo dục chuyên ngành tích hợp nghệ thuật tại ĐH Plymouth State (Mỹ)-giáo viên mỹ thuật tại TP.HCM, cho biết ngày đầu năm mới là một dịp thích hợp để học sinh tiếp tục thực hành hạnh phúc, biết ơn và quan tâm nhau. Một ý tưởng thú vị là cả lớp có thể cùng thực hiện một tác phẩm, diễn tả những điều mang lại niềm vui, sự hạnh phúc để trưng bày trong lớp.
“Từ 5 tuổi trở lên, mỗi bé có thể vẽ chữ, vẽ hình tượng trưng cho điều làm bé thấy vui vẻ, hạnh phúc lên giấy nhỏ rồi sau đó cắt ra, cả lớp cùng dán lên tường, giấy hay vải to như poster. Đối với những bé dưới 5 tuổi, các cô có thể cho các em tô màu lên giấy lớn hoặc xé giấy dán tranh. Điều quan trọng là thầy cô để trẻ em, học sinh được chia sẻ và kết nối với nhau”, thạc sĩ Nam gợi ý.
Thầy Minh Nam cũng cho rằng thầy cô nên tạo không gian cho các bé được chia sẻ niềm vui, trải nghiệm trong ngày tết với nhau và tạo sự kết nối trong lớp. Học sinh viết lời chúc lên giấy bìa màu/giấy hoa văn rồi tặng nhau, rồi cùng chơi trò chơi tam sao thất bản. Trong đó, mỗi nhóm học sinh xếp hàng dài. Một bạn sẽ viết tên một hoạt động trong kỳ nghỉ tết, diễn tả bằng hành động (không được nói) để một bạn đầu hàng quan sát. Những bạn còn lại trong đội quay đầu về hướng khác. Bạn quan sát sẽ diễn tả lại đến bạn cuối cùng thì đoán.
Hãy để trẻ được chia sẻ, kết nối, hạnh phúc sau khi trở lại trường sau kỳ nghỉ BÍCH PHƯỢNG |
“Một hoạt động tôi thường tổ chức tại lớp dịp đầu năm là cùng nhau nói một điều mà mình thấy vui, mừng, tự hào… trong thời gian qua. Hay thầy cô cho học sinh tự làm huy chương bằng giấy, tự ghi lên một điều mình muốn đạt được vào cuối năm này, rồi treo lên một chỗ. Đến cuối năm, thầy cô gỡ những chiếc huy chương đó ra để trao tặng cho học sinh. Đó cũng là một hình thức đặt mục tiêu rất thú vị”, thầy Minh Nam nói.
Trò chuyện cùng con trước ngày trở lại trường
Nhiều trường, cơ sở giáo dục mầm non độc lập bắt đầu đón trẻ đi học trở lại từng mùng 6 tháng giêng (27.1). Nhiều chủ trường mầm non, chủ cơ sở giáo dục mầm non độc lập cho hay thời điểm này trẻ chỉ đi học “lai rai”. Phải hết tháng 1, đầu tháng 2.2023 thì trẻ mới trở lại lớp đông đủ.
“Những buổi đầu tiên trẻ mầm non đi học trở lại, cô giáo chủ yếu rèn nề nếp sau một kỳ nghỉ dài”, chủ một hệ thống cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại Q.12, Q.8, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết.
Ở góc độ một phụ huynh có con 5 tuổi tại Trường mầm non Sao Mai (Q.8, TP.HCM), chị Dương Thu Minh cho rằng phụ huynh nên cùng rèn nếp cho con trước khi trở lại trường sau kỳ nghỉ tết. Chẳng hạn, cha mẹ nhắc nhở con đi ngủ sớm, ăn uống đúng giờ và luôn trò chuyện với con về việc khi kết thúc kỳ nghỉ thì sẽ trở lại trường.
“Sai lầm nhất là khi cha mẹ dạy con bằng dọa dẫm như “hư là bắt đi học”, “không ăn cơm là đưa đến trường”. Hãy nói với con rằng thầy cô sẽ rất vui khi chào đón con đi học trở lại, bạn bè đang nhớ con lắm rồi, con sẽ chuẩn bị quà gì tặng bạn, hay con chúc cô giáo điều gì… Điều đó khiến các học sinh hào hứng hơn khi đi học lại sau kỳ nghỉ tết”, chị Minh chia sẻ.