Trang chủ Văn hóa Hiệp định Genève 1954 – Nền móng cho sự thống nhất đất nước

Hiệp định Genève 1954 – Nền móng cho sự thống nhất đất nước

bởi Linh

Hiệp định Genève – Dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam

Tin về Chiến thắng Điện Biên Phủ của QĐND Việt Nam chiều 7/5/1954 được truyền đến Genève và ngay sáng sớm 8/5/1954 (giờ Genève), vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn nghị sự. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Tin về Chiến thắng Điện Biên Phủ của QĐND Việt Nam chiều 7/5/1954 được truyền đến Genève và ngay sáng sớm 8/5/1954 (giờ Genève), vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn nghị sự. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đánh dấu chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Đây là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Hiệp định Genève là dấu mốc quan trọng trong tiến trình cách mạng của nhân dân ta, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục cuộc đấu tranh đi tới thống nhất đất nước.

Sự kiện này bắt nguồn từ tháng 1/1954, khi Ngoại trưởng 4 nước: Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp họp tại Berlin (Đức) và quyết định triệu tập Hội nghị quốc tế ở Genève để giải quyết vấn đề chiến tranh tại Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 26/4/1954, khi Quân đội Nhân dân Việt Nam kết thúc đợt 2 ở Điện Biên Phủ, Hội nghị Genève bắt đầu được khai mạc.

Tham dự hội nghị có đại diện của các bên gồm Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, chính quyền Bảo Đại, Campuchia và Lào. Ban đầu, hội nghị bàn về vấn đề chiến tranh Triều Tiên chứ không bàn ngay về vấn đề Đông Dương. 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, tin thất bại của thực dân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ gửi về hội nghị từ Đông Dương. Do đó, sáng ngày 8/5/1954, vấn đề Đông Dương được đưa lên bàn nghị sự.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Genève. Hiệp định Genève cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa quân sự với ngoại giao, giữa thắng lợi quân sự trên chiến trường trong Chiến cục Đông – Xuân 1953 – 1954 với đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán.

Hiệp định Genève trở thành một văn bản mang tính quốc tế cho một giải pháp kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên các mặt quân sự, chính trị, xã hội và pháp lý. Việc ký kết Hiệp định Genève đã giải phóng hoàn toàn miền Bắc, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, với mục tiêu thống nhất Tổ quốc.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 20/7/1954, chúng ta đã cùng với Pháp ký các hiệp định đình chỉ chiến sự và cùng các bên ra tuyên bố cuối cùng của hội nghị vào ngày 21/7/1954. Lần đầu tiên, tất cả các nước lớn đã phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để chúng ta tiến hành cuộc đấu tranh chống sự can thiệp và xâm lược của đế quốc Mỹ.

Hiệp định Genève là một thắng lợi lớn không chỉ của riêng nhân dân Việt Nam, mà còn của phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực và trên thế giới. Pháp phải rút quân về nước và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia.

Hiệp định này đánh dấu sự sụp đổ hệ thống thực dân thống trị trên quy mô toàn cầu, góp phần quan trọng cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới; đồng thời, khẳng định tính tất thắng của cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Kết quả đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam.

Những bài học kinh nghiệm rút ra từ Hội nghị Genève có giá trị to lớn để chúng ta tiếp tục vận dụng trong giai đoạn mới, nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Hơn 70 năm đã trôi qua, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève vẫn in đậm dấu ấn trong tâm trí của các thế hệ người dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ý nghĩa to lớn và những bài học quý về Hiệp định Genève sẽ trường tồn cùng thời gian, được nhân lên, phát huy hơn nữa trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Có thể bạn quan tâm