Học viện Tài chính công bố phương thức tuyển sinh năm 2025, không xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Ngày 19/7, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2025 đã diễn ra với sự tham gia của hơn 60 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Học viện Tài chính cũng có mặt tại sự kiện này để tư vấn về cách thức xét tuyển năm nay sau khi các thí sinh đã có điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trong trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng – Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, năm 2025, học viện sẽ tuyển sinh bằng 3 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển kết hợp; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, Học viện Tài chính không xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của thí sinh.

Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, khi có quá nhiều trường tổ chức và tham gia, thí sinh và phụ huynh cảm thấy áp lực vì phải tham gia quá nhiều đợt thi. Thực tế những năm trước, số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Học viện Tài chính bằng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là không nhiều. Thông thường, những trường nào tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy thì thí sinh nộp hồ sơ vào trường đó là chủ yếu. Vì thế, năm 2025, Học viện Tài chính quyết định dừng xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng cũng cho biết, năm 2025, Học viện Tài chính dự kiến sẽ có dải điểm chuẩn trải rộng, có thể từ 22 – 28 điểm, không tập trung như năm 2024 (từ 26,03 – 26,85 thang điểm 30 và 34,35 – 36,15 thang điểm 40). Điều này có nghĩa là điểm chuẩn của một số ngành đào tạo của Học viện Tài chính năm nay có thể sẽ giảm hơn so với năm ngoái từ 3 – 4 điểm. Phổ điểm rộng sẽ là cơ hội cho thí sinh tự tin đăng ký vào đúng ngành học phù hợp để nâng cao khả năng trúng tuyển vào học viện.
Năm 2025, Học viện Tài chính cũng mở thêm 9 chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế như: Ngân hàng; Đầu tư tài chính; Thuế và quản trị thuế; Kế toán quản trị và kiểm soát quản lý; Kế toán công; Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản; Kinh doanh quốc tế; Quản trị doanh nghiệp; Kinh tế đầu tư. Ở chương trình chuẩn, học viện mở mới các chương trình đào tạo: Kinh tế chính trị – tài chính; Luật Kinh tế; Toán tài chính; Khoa học dữ liệu trong tài chính; Trí tuệ nhân tạo trong tài chính kế toán.
Một số ngành đào tạo mới mở của Học viện dự kiến điểm chuẩn sẽ khá cao, bởi đây đều là những ngành có sức hút lớn với thí sinh và đang có nhu cầu xã hội lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đồng hành cùng thí sinh, Hội đồng tuyển sinh năm 2025 của Học viện Tài chính dự kiến sẽ giảm ngưỡng điểm đầu vào khoảng 1 điểm.