Rồi những ngày tết đã đến. Tiền lì xì, tiền ăn từ trò chơi bầu cua cá được anh em chúng tôi lần lượt thả vô chiếc lùng binh mới.
Buổi chiều trên đường đi làm về, thấy một chị phụ nữ bày bán những con heo đất bên vỉa hè màu xanh, đỏ, vàng, cam… nhìn thật vui mắt. Tôi dừng lại, mua một con heo đất thật to trông rất ngộ nghĩnh và nghĩ là mấy nhóc nhà tôi sẽ vui lắm để có con heo đất mới để thay thế con heo đất cũ cho năm mới.
Chợt như đâu đó ùa về những niềm vui nho nhỏ của tuổi thơ tôi. Đúng là tuổi thơ nông thôn của tôi làm chi có mấy con heo đất mũm mĩm nhiều màu sắc đẹp như bây giờ. Nhưng hồi đó, để có tiền tiết kiệm cho tết, lũ con nít nhà quê chúng tôi cũng có một vật dụng để tiết kiệm tiền đó là những chiếc lùng binh (ống binh).
Tiền lì xì, tiền ăn từ trò chơi bầu cua cá được anh em chúng tôi lần lượt thả vô chiếc lùng binh mới shutterstock |
Đầu tiên phải kể đến những chiếc lùng binh tự làm bằng một khúc tre nứa, được bịt kín 2 đầu, khoét 1 lỗ nhỏ ở giữa đủ để nhét mấy đồng xu hay mấy tờ giấy bạc gấp nhỏ vô trong. Sau này, ở chợ quê tôi có bán những chiếc lùng binh là những lon sữa bò được bịt kín đầu miệng bằng 1 miếng sắt, chỉ chừa lại 1 lỗ nhỏ để bỏ tiền vô. Chúng tôi gọi đó là những lon lùng binh…
Bà nội tôi vẫn thường mua cho anh em tôi chiếc lon lùng binh như rứa trong những buổi chợ cuối năm. Suốt một năm, mấy anh em tôi cũng dồn được chục đồng bạc vô lùng binh thật là vui lắm. Chúng tôi gửi hết tiền cho bà nội để bà nội mua quà cho mỗi đứa; còn bao nhiêu bà để dành để lì xì cho mấy đứa cháu trong ngày đầu năm mới…
Rồi những ngày tết đã đến. Tiền lì xì, tiền ăn từ trò chơi bầu cua cá được anh em chúng tôi lần lượt thả vô chiếc lùng binh mới. Tôi vẫn còn nhớ đồng xu năm hào có 1 lỗ tròn ở giữa, đồng xu 1 đồng không có lỗ màu trắng bạc. Lũ trẻ xóm tôi vẫn thường chơi “tán mạng” bằng những đồng xu này và ai chơi hay thì có khi thắng đến mấy đồng. Rồi khi có rủng rẻng tiền sau những ngày tết là anh em tôi bỏ vô lùng binh. Cái lùng binh được anh em tôi cẩn thận gác ở cái băng gỗ sát trần nhà.
Trong suốt năm, cứ có tiền dư là anh em chúng tôi cho vô lùng binh. Mà những đồng tiền đó cũng chủ yếu là tiền của ba mạ hay bà nội cho để ăn quà hay thỉnh thoảng chúng tôi nhặt nhôm nhựa, đi bẻ măng vòi để bán lấy tiền. Cứ đến độ cuối năm thì chiếc lùng binh làm bằng lon sữa bò đó được tôi cầm lên lúc lắc và không còn nghe tiếng kêu nữa. Đó cũng là tín hiệu báo một mùa tết nữa đang về…
Rồi tối 30 tết, anh em chúng tôi chờ đợi đến giờ phút là đục lùng binh. Chiếc nắp đậy lon lùng binh được chúng tôi lấy con dao bẩy ra. Những đồng tiền kẽm quay tròn leng keng trên tấm phản trong ánh mắt sáng rực niềm vui của cả mấy anh em.
Thực tình thì từ lùng binh toàn là những đồng tiền lẻ nên cũng chẳng nhiều nhặng chi nhưng vì là tiền tiết kiệm được nên anh em tôi vui lắm. Bây giờ, mấy đứa con gái của tôi cũng thích được nuôi heo đất để tiết kiệm từ quà ăn vặt. Chỉ có điều, không như xưa khi còn những đồng tiền xu bằng kẽm nên chú heo đất bây giờ thiếu đi âm thanh lắc cắc thiệt vui tai như những chiếc lùng binh bằng lon sữa bò mấy lối của tuổi thơ tôi…