Sáng 27.1 (mùng 6 tết), kiểm tra thực địa dự án đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội và các địa phương tập trung làm ngày làm đêm, hoàn thành nhanh nhất dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh gồm 7 dự án thành phần, với 3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Thủ tướng thăm hỏi bà con nơi dự án đi qua, bày tỏ cảm ơn bà con đã nhường đất cho công tác giải phóng mặt bằng dự án nhật bắc |
Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Theo báo cáo của các địa phương, các hạng mục công việc đang được triển khai đáp ứng theo các mốc tiến độ trong kế hoạch phối hợp giữa 3 tỉnh, thành phố. Công tác lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cung cấp các thông số hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu…
Hiện, công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, việc phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc với các sở, ngành và các địa phương cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, do dự án phức tạp, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố nên còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.
Để gỡ khó, lãnh đạo TP.Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đề xuất Chính phủ cho phép vừa lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vừa thiết kế, vừa thi công cải tạo, chỉnh trang các nghĩa trang hiện có trong các thôn, xã, phường để phục vụ di chuyển mộ trong phạm vi thu hồi đất giải phóng mặt bằng dự án; cho phép chỉ định thầu các dự án cải tạo, mở rộng, xây mới nghĩa trang…
Đặc biệt, các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đề nghị chấp thuận cho phép vừa lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vừa thiết kế, vừa thi công đối với các công trình xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, được phép phân giai đoạn, hạng mục thực hiện đầu tư để tiến hành thiết kế theo từng giai đoạn, từng hạng mục phục vụ cho công tác thi công trên cơ sở đảm bảo tính đồng bộ cho toàn công trình, phù hợp với khối lượng di dời, giải phóng mặt bằng của dự án…
Tránh thủ tục phiền hà kéo dài thời gian
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác cũng đi khảo sát vị trí giao Đại lộ Thăng Long – đường Vành đai 4 (Km 20+500 Đại lộ Thăng Long) thuộc địa phận xã Song Phương (H.Hoài Đức, Hà Nội).
Thủ tướng hoan nghênh việc triển khai chủ động, sáng tạo, sự phối hợp chặt chẽ của 3 địa phương trong triển khai các công việc, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt 3 bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng.
Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6.2025 nhật bắc |
Về các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của địa phương, Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, giải quyết ngay theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương chuẩn bị các công việc, làm sớm nhất có thể, tránh giấy tờ, thủ tục phiền hà không cần thiết, kéo dài thời gian.
“Tinh thần là làm ngày làm đêm, tranh thủ thời tiết thuận lợi và người dân ủng hộ để làm nhanh công tác giải phóng mặt bằng”, Thủ tướng lưu ý. Về vốn, nguyên tắc T.Ư và địa phương cùng chia sẻ, sử dụng phần vượt thu ngân sách nếu phải tăng tổng mức đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công đồng loạt ở cả 3 tỉnh, thành phố, phấn đấu tháng 6.2025 hoàn thành dự án. Việc xây dựng tuyến đường sẽ mở ra không gian phát triển mới, với các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khai thác quỹ đất hiệu quả hơn, góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trong khu vực.
Trò chuyện với người dân vùng dự án tại hiện trường, Thủ tướng vui mừng vì người dân đồng thuận cao với việc triển khai dự án và chấp thuận đền bù giải phóng mặt bằng.
Bà con cho biết, đây là dự án thứ 4 có thu hồi đất trên địa bàn, nhưng người dân rất phấn khởi và sẵn sàng nhường đất cho dự án, kể cả đang sản xuất, kinh doanh cho thu nhập tốt; nhiều người dân đã nhanh chóng di dời mồ mả tổ tiên, người thân. Người dân tại vùng dự án cũng mong mỏi dự án càng sớm hoàn thành thì người dân càng sớm hưởng lợi.
Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, bao gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2 km, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km và đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km.
Tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 28.173 tỉ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỉ đồng (Hà Nội 23.524 tỉ đồng, Hưng Yên 1.505 tỉ đồng, Bắc Ninh 3.164 tỉ đồng); vốn BOT 29.447 tỉ đồng. Các cơ quan chủ quản gồm UBND TP.Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Bắc Ninh.