Câu chuyện đứa trẻ làm đổ nước vào laptop của người lạ ở quán cà phê hay đánh đập mèo, thay vì khiển trách con mình, phụ huynh nói ‘trẻ con mà, nó có biết gì đâu’ gây ồn ào trên mạng xã hội.
Phụ huynh không nên ngụy biện “trẻ con mà, nó có biết gì đâu” Thúy Hằng |
Có thật sự trẻ con không biết gì, hay đây là sự thất bại trong giáo dục con trẻ của nhiều cha mẹ?
Con té ngã nhưng phụ huynh đánh… bàn, ghế
Nội dung chính
Không chỉ là câu chuyện chiếc laptop bị đổ nước ở quán cà phê hay chú mèo bị đánh, trong cuộc sống chúng ta vẫn thấy không ít lần người lớn bênh vực con trẻ trước các lỗi chúng gây ra bằng việc đổ lỗi cho hoàn cảnh, hoặc “trẻ con nó có biết gì đâu”.
Chị Nguyễn Thùy Anh, một người mẹ có 2 con đang học tiểu học tại Q.5, TP.HCM, kể lại ví dụ điển hình trong nhiều gia đình đó là khi đứa trẻ còn nhỏ, chẳng may chúng té ngã, người lớn chạy lại, đập bàn, ghế mắng: “bọn này hư quá, làm con đau” mà không chỉ ra do con trẻ bất cẩn ra sao, cần chú ý thế nào. Hoặc khi tới nơi công cộng, trẻ con la hét, chạy nhảy làm phiền người xung quanh, một số cha mẹ đứng ra xin lỗi giùm con. Nhưng cũng không ít người nguỵ biện “con nít mà, chúng có biết gì đâu”.
Thạc sĩ tâm lý học Quang Thị Mộng Chi, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ: “Trong mắt cha mẹ thì con cái lúc nào cũng còn bé bỏng và chưa cần phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình. Theo họ, điều này không chỉ áp dụng với cha mẹ và người thân trong nhà mà còn yêu cầu mọi người chấp nhận suy nghĩ này. Đây là cách nghĩ sai nên dẫn đến cách giáo dục con cái sai của một số cha mẹ”.
“Trẻ em biết khi có nhu cầu thì sẽ được đáp ứng ngay lập tức mà không cần biết các hệ quả có thể xảy ra là gì. Điều này là vô cùng có hại cho trẻ và ảnh hưởng đến cha mẹ trong tương giao với mọi người xung quanh. Khi đứa trẻ bị nuông chiều, cuộc sống sau này của đứa trẻ sẽ như thế nào không ai có thể nói trước, thậm chí là cả cha mẹ của chúng”, thạc sĩ Mộng Chi nhấn mạnh.
“Dạy con từ thuở còn thơ”, từ những bài học nhỏ trong cuộc sống hàng ngày Thúy hằng |
Thầy Lê Hoàng Phong, giáo viên tiếng Anh, người sáng lập doanh nghiệp xã hội YOURE, cho rằng một trong những vai trò của cha mẹ trong hành trình nuôi dạy con đó chính là việc nuôi dưỡng năng lực nhận thức đúng sai, nhằm thúc đẩy sự phát triển cho con trẻ trong tương lai, giúp các con hoàn thiện về thể chất và tinh thần cũng như sự hòa nhập vào xã hội.
“Việc cha mẹ không đặt ra rõ hoặc không truyền đạt cẩn thận, chu đáo các quy tắc ứng xử cho trẻ, cũng như không hỗ trợ hoặc hướng dẫn cụ thể gì mà chỉ nghĩ rằng con cái của họ ‘trẻ con có biết gì đâu’ thì nguy hại cho sự phát triển toàn diện về mặt nhận thức cho đứa trẻ sau này”, thầy Phong nói.
Chịu trách nhiệm về hành động của mình
Tiến sĩ Lý Ngọc Điệp, quản lý cấp trung tại ĐH Auckland, New Zealand (mẹ của 2 bé, bé lớn mới giành học bổng toàn phần đến ĐH Harvard), kể lại câu chuyện nhiều năm trước khi gia đình mới chuyển từ Việt Nam sang New Zealand sống. Một chiều, chị đến trường tiểu học đón con thì thấy bé trai ngồi trên sân cỏ khóc.
Các cô giáo cho hay bé đánh bạn ở trường và sau đó cứ ngồi ở đây, không chịu vào lớp, cô hiệu phó đến nói chuyện bé cũng không trả lời. Dù rất choáng vì con trai trước giờ vốn lành, không đánh ai bao giờ nhưng trước tiên chị Điệp xin lỗi các cô, hỏi thăm bạn bị đánh có sao không và nói rằng sẽ nói chuyện với con để nắm sự thể rồi ngày mai đến trường nói chuyện với các cô.
“Xong xuôi, tôi bước lại chỗ con và nhẹ nhàng bảo ‘thôi đứng lên đi giày rồi về nhà đi con, mẹ con mình nói chuyện sau, mẹ tin con không cố ý đánh bạn’. Thế là cu cậu ôm mẹ khóc òa, ‘con không đánh bạn mẹ ơi, đang chơi thể thao trên sân, con chỉ đang vung tay, đúng lúc bạn đang lao đến nhưng mọi người đều nói con đánh bạn, mọi người không tin con’”.
Tôi nói với con trai: “Mẹ biết con lỡ tay làm bạn đau, xong con sợ và xấu hổ quá nên cứ ngồi ở sân không dám vào lớp đúng không. Nhưng mình lớn rồi, phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, lỡ làm sai thì mình nhận lỗi và đứng lên thôi, không ai trách con cả. Mẹ luôn tin con, nên có gì con cũng có thể nói với mẹ”, tiến sĩ Ngọc Điệp kể.
Hôm sau, bé trai tự đi vào trường xin lỗi bạn, xin lỗi cô, giải thích với cô. Buổi chiều bé rất vui vẻ vì đã làm hòa với bạn. Cô giáo cũng xin lỗi bé vì đã không tin con. Cô giáo cũng nói nếu sau này mọi người nói sai về con, con phải đứng lên và giải thích cho mọi người hiểu chứ không phải sự im lặng. Quan điểm dạy con phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, từ khi con còn rất nhỏ là một trong những bí quyết để tiến sĩ Ngọc Điệp nuôi dạy 2 con nên người.
Đợi con lớn mới dạy thì đã muộn!
Các nhà làm giáo dục cho rằng chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ cũng như nuôi dưỡng một cái cây, cần uốn nắn, vun trồng từ nhỏ. Dĩ nhiên cũng có những cây tự thân phát triển trong điều kiện khắc nghiệt mà không cần chăm bón nhưng xác suất rất thấp. Trẻ em cũng vậy, có những đứa trẻ rất hiểu chuyện mặc dù ít hoặc không được quan tâm.
Chăm sóc, nuôi dạy mỗi đứa trẻ như vun trồng một cái cây Minh Nam |
Cô Trịnh Thị Nghĩa Thảo, giáo viên Trường Quốc tế Á Châu, cho hay: “Thay vì chờ đợi những xác suất ngẫu nhiên thì cha mẹ, người thân nên tìm hiểu và dạy con sao cho phù hợp. Xã hội luôn phát triển, phụ huynh nên đồng hành và phát triển cùng con, làm bạn với con cái để dễ dàng thấu hiểu”.
Theo thạc sĩ tâm lý học Quang Thị Mộng Chi, để trẻ hiểu được các quy tắc sống nhằm thích nghi trong bối cảnh chung sống với mọi người thì cha mẹ không những phải dạy dỗ mà còn là tấm gương cho trẻ về việc giữ phép giao tiếp lịch sự. Đó là chú ý đến việc không làm phiền người khác, tôn trọng sự riêng tư và tài sản của họ, hiểu được giới hạn của bản thân, cái gì nên và không nên làm, phải hỏi ý kiến cha mẹ trong những tình huống lạ…
Muốn vậy, theo thạc sĩ Mộng Chi, cha mẹ cần giáo dục con những giá trị sống tích cực như sự tôn trọng, lắng nghe, tình yêu thương, lòng biết ơn, các quy tắc giao tiếp lịch sự, cách đối xử với người và vật phù hợp trong những hoàn cảnh khác nhau.
Đồng thời, cần tập cho trẻ biết đâu là giới hạn những tự do lựa chọn của mình và trao quyền cho trẻ tự lựa chọn trong giới hạn ấy. Tất nhiên, không thể bỏ qua việc giải thích cho trẻ hiểu tại sao cần làm thế này mà không phải thế kia. Như vậy, trẻ hiểu và sau này tự có những suy nghĩ và lựa chọn cách thể hiện cho phù hợp với hoàn cảnh mà không cần phải có mặt ba mẹ mới dám làm.
“Như ông bà ta có câu ‘Dạy con từ thuở còn thơ’, các bậc cha mẹ hãy dạy con những điều phù hợp với lứa tuổi ngay khi có thể, đừng nghĩ ‘trẻ con có biết gì đâu’, đợi đến khi con lớn mới dạy thì đã muộn!”, thạc sĩ Mộng Chi thẳng thắn.