Dựa theo các văn bản chính thống còn giữ lại được cho đến ngày nay, có thể thấy chiến thắng Kỷ Dậu 1789 của vua Quang Trung trước quân Thanh hoàn toàn không phải do yếu tố bất ngờ.
Bất ngờ sao được khi quân Tây Sơn ra Nghệ An cả tháng và tuyển quân rầm rộ, diễu binh, lập hội thề, khao quân ăn tết sớm liên tục với các phát biểu đanh thép của vua Quang Trung: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến sang Xuân ngày mồng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn”… Rồi thư của vua Quang Trung gửi tướng giặc thóa mạ Tôn Sĩ Nghị là “Tôn điên”…
Vũ khí của quân Tây Sơn trong bảo tàng |
Lần theo sử sách, quân Thanh không hề nghỉ tết mà phải liên tục xây dựng hàng loạt thành lũy, đồn, bốt mới tại Ngọc Hồi, Hạ Hồi, Thường Tín, Nhật Tảo, Duy Tiên, Nguyệt Quyết, Gián Khẩu để bảo vệ từ xa thành Thăng Long.
Vua Thanh chắc đã có thông tin về vũ khí uy lực của Tây Sơn nên đã trực tiếp chỉ huy bằng cách cứ vài ngày lại có chiếu chỉ. Tôn Sĩ Nghị và vua Càn Long liên tục thư từ đi đi về về xung quanh tình hình quân Tây Sơn. Trước khi sang Việt Nam, Tôn Sĩ Nghị đã có thông tin về hỏa hổ của quân Tây Sơn và có ghi rõ trong quân lệnh: “Quân Nam không có sở trường gì khác, toàn dùng thứ ống phun lửa làm lợi khí, gọi là hoả hổ”.
Như vậy quân Thanh có lẽ biết mà vẫn chủ quan, xem thường.
Tờ biểu của Nguyễn Huy Túc ghi như sau:
Tháng Sáu năm thứ 51 (tức năm Bính Ngọ 1786) Nguyễn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ công thành, nghe nói có đến hơn 5 vạn quân, khí giới của chúng phần lớn là giáo mác và hỏa đồng (火筒), còn có tên là hoả hổ (火虎), có bầu (nguyên văn doanh bả 盈把) lớn, dài chừng một thước (khoảng 30 cm), khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy…
Sử nhà Nguyễn chép: “Ngụy Tây Sơn dùng nhựa cây trộn với dầu mỏ chế ra loại hỏa dược cháy lâu và không thể dập tắt”.
Nghiên cứu kỹ lưỡng hỏa hổ Tây Sơn, kỹ sư Vũ Đình Thanh cùng các chuyên gia vũ khí Nga phỏng đoán: hỏa hổ Tây Sơn có tốc độ bắn cao, không phải nhồi thuốc vào hỏa hổ mà theo nguyên tắc như ngày nay chúng ta dùng ống để bắn pháo hoa: đặt đạn hỏa hổ vào ống rồi đốt ngòi. Ở gần, đạn hỏa hổ phụt thẳng hỗn hợp nhựa thông trộn phốt pho vào giặc. Ở xa hơn, đạn hỏa hổ sẽ nổ 2 lần, một lần để phóng phần đầu chứa nhựa thông và phốt pho, gặp mục tiêu sẽ tự nổ vì chứa phốt pho, hoặc hỏa hổ là ống phóng pháo thăng thiên với đầu chứa nhựa thông trộn phốt pho.
Trang bị của quân Tây Sơn: dáo dài, ống hoả hổ bằng đồng cài thắt lưng hỏa cầu (phục dựng) |
Quân Tây Sơn bắn đồng loạt cùng lúc nhiều hỏa hổ tạo ra biển lửa như lửa của rồng phun ra cực nóng, độc, không có oxy, dễ dàng đánh bại mọi quân đội chiến đấu theo lối cổ, tức là đội hình tập trung như quân chúa Nguyễn, chúa Trịnh và quân Thanh. Điều này khớp với ghi chép trong chính sử nhà Nguyễn: “Quân Tây Sơn lấy ống hỏa hổ tung ra, quân Trịnh đều tan vỡ, vứt gươm, bỏ giáo, xô nhau chạy trốn thể như núi đổ…”
Vua tôi nhà Thanh chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với hỏa hổ nhưng đã gặp một thứ vũ khí phốt pho còn uy lực gấp nhiều lần hỏa hổ, thứ vũ khí mà ngày nay (tức là hơn 230 năm sau) đang bị cấm theo công ước quốc tế. Các hỏa cầu từ thời vua Quang Trung trong bảo tàng có vỏ gang rất dày, hoàn toàn không bị vỡ ra như chúng ta thường thấy ở lựu đạn ngày nay. Thuốc nổ đen thời đó khá yếu. Vì thế nên nếu mảnh có văng ra thì cũng chẳng đe dọa được ai. Hỏa cầu của Tây Sơn được thiết kế với thành dày để khi nổ thì quả cầu đó không vỡ, tạo áp suất tống một thứ hoá chất, như mô tả của quân Thanh:“Nó (chỉ hỏa hổ-hỏa cầu) nhanh như sấm chớp, nóng như thò tay vào vạc dầu. Quân có tinh nhuệ đến mấy cũng không thể nào tránh và chống đỡ được. Gặp vũ khí này thì gươm đao cũng thành vô hiệu, các dụng cụ công thành, khiên mác cũng hóa vô dụng”.
Trang bị của quân Tây Sơn: dáo dài, ống hỏa hổ bằng đồng cài thắt lưng hỏa cầu (phục dựng) |
Đồng nghiệp của kỹ sư Thanh (các chuyên gia vũ khí của tập đoàn tên lửa số 1 châu Âu) căn cứ theo mô tả trên đã ngay lập tức khẳng định rằng chất tống ra từ hỏa cầu của Tây Sơn chính là phốt pho nguyên chất. Phốt pho nguyên chất bị bắn mạnh vào không khí ngay lập tức sẽ tác dụng với oxy, gây nên hiện tượng như sấm chớp, có nhiệt độ cao với vết bỏng phốt pho đặc trưng rất sâu khiến da bị trợt ra như là thò tay vào trong vạc dầu.
Chính vì lí do quân Tây Sơn có vũ khí phốt pho nên khi vận chuyển phải bảo quản trong nước, mà người dân nhìn thấy khi hành quân cứ hai người lính được khiêng một thuyền.
Quân Tây Sơn dùng vũ khí phốt pho cho nên theo sử nhà Thanh “chốc lát có 5.000 quân bị chết” đúng như vua Quang Trung tuyên bố trước trận đánh “hãy xem ta giết vài vạn tên trong một trận”.
Quân Tây Sơn luôn tấn công lúc trời tối, hỏa tiễn hỏa châu bắn tới tấp, tung hỏa cầu vào đối phương, nhờ có phốt pho nên lửa cháy dữ dội như lửa từ rồng phun ra thiêu cháy mọi thứ, quân địch trong thành lũy vì phốt pho tiêu hủy hết sạch oxy trong không khí nên nhiều người bị chết ngạt, nếu không chết ngạt thì vì thiếu oxy sẽ bị tai biến hoàn toàn không chiến đấu được. Quân Tây Sơn sau đó xông lên chém mà không gặp bất cứ sự phản kháng nào.
Biết đến hiệu ứng thiếu oxy gây chết người và có kinh nghiệm đối phó với “lửa Hy Lạp” của người Arab, người Pháp đã tư vấn cho chúa Nguyễn dãn cách và tránh xa tầm hỏa lực của quân Tây Sơn. Quân Tây Sơn dễ dàng chiến thắng quân Thanh vì quân Thanh không hiểu nếu tỏa ra không co cụm lại thì vũ khí phốt pho sẽ giảm hiệu lực đáng kể. Sau này, Pháp cung cấp súng có khả năng bắn xa khiến vũ khí phốt pho của quân Tây Sơn khó triển khai. Quân nhà Nguyễn chỉ cần ở ngoài tầm hỏa lực của quân Tây Sơn và sử dụng súng bắn từ xa là khắc chế được vũ khí phốt pho, góp phần vào các chiến thắng quân sự sau này của vua Gia Long.
Rất đáng tiếc, quân Tây Sơn biết cách điều chế phốt pho, biết đến hiệu ứng gây chết người khi lửa cháy mãnh liệt gây ra, vậy mà lại không biết một điều là phốt pho rất độc, khi làm việc thời gian dài với phốt pho sẽ bị hỏng tủy sống, không sinh ra được hồng cầu trong máu, gây thiếu máu, hoại tử xương hàm. Nếu bôi phốt pho vào mắt thời gian dài sẽ gây mù. Và đó là tất cả các dấu hiệu bệnh tật mà vua Quang Trung mắc phải, người xưa gọi là chứng huyễn vận – xa xẩm mặt mày vì thiếu máu rồi chết.
Vua Quang Trung bị bệnh vì phốt pho thời gian dài như mô tả trong bài thơ của hoàng hậu Ngọc Hân. Cùng với vua Quang Trung còn có tướng Phan Văn Lân cũng chết vì huyễn vận (thiếu máu) y hệt. Hai người anh của vua cũng có cái chết tương tự, và có lẽ rất nhiều người khác trực tiếp bào chế phốt pho đều mất mạng cùng khoảng thời gian đó vì tác dụng chết người không tránh khỏi khi chế tạo phốt pho nguyên chất mà không có biện pháp bảo vệ. Chắc chắn việc đó gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất vũ khí phốt pho của quân Tây Sơn sau khi vua Quang Trung qua đời.